Chế độ dinh dưỡng cho người bị rối loạn mỡ máu
Giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào
Tuỳ theo BMI, chất béo chỉ nên chiếm 15 - 20% tổng năng lượng với tỉ lệ sau: chất béo no chiếm 1/3 tổng số chất béo, 1/3 là axit béo chưa no nhiều nối đôi và 1/3 còn lại là axit béo chưa no một nối đôi.
Nên dùng dầu lạc, dầu olive, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp các acid béo không no có nhiều nối đôi Omega-3, Omega-6. Nếu có điều kiện nên bổ sung dầu cá thiên nhiên vì chứa nhiều axit béo chưa no.
Loại bỏ bớt những loại thức ăn nhiều axit béo no như bơ, mỡ, nước luộc thịt.
Giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 250 mg/ngày bằng cách không ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: não (2.500mg%), bầu dục bò (400mg%), bầu dục lợn (375mg), gan lợn (300mg%), gan gà (440mg%). Hạn chế các thức ăn này góp phần làm giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn. Lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol, nhưng đồng thời có nhiều lecithin (một chất điều hoà chuyển hoá cholesterol trong cơ thể). Do đó, ở những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết phải kiêng hẳn trứng mà chỉ nên ăn trứng 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần ăn 1 quả.
Tăng lượng đạm (protein)
Dùng thịt ít béo như thịt gà nạc bỏ da, thịt bò nạc, thịt lợn thăn, nên dùng cá, đậu đỗ. Nên ăn các sản phẩm được chế biến từ đậu tương: sữa đậu tương, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương, sữa chua đậu tương,... Thực phẩm làm từ đậu tương có hàm lượng estrogen thực vật hoặc isoflavon cao làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LĐL) và triglycerid (là những thành phần làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch).
Cơ quan FDA của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo: Để giảm các nguy cơ của bệnh tim mạch, nên tiêu thụ ít thất 25g đậu tương/ngày dưới bất cứ hình thức nào. Ngoài ra, lượng đạm cũng không nên dùng quá nhiều so với bình thường vì sẽ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa khác, chỉ nên ăn tăng thêm khoảng 1/6 (15%) so với bình thường.